2458 lượt xem

Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam là ngày nào, nguồn gốc và ý nghĩa


Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị – xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân, đội ngũ tri thức và những người lao động tự nguyện lập ra nhằm mục đích tập hợp, đoàn kết lực lượng, xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam lớn mạnh

Nguồn gốc ra đời ngày Công đoàn Việt Nam

Công đoàn Việt Nam được thành lập với mục đích tập hợp, đoàn kết lực lượng, xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam lớn mạnh về mọi mặt; cùng với cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, xã hội chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế – xã hội; tham gia kiểm tra giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp; tuyên truyền vận động người lao động học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Sự ra đời của tổ chức Công đoàn Việt Nam gắn liền với sự hình thành, phát triển của giai cấp công nhân và hoạt động của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc – Người đặt nền móng về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của tổ chức Công đoàn Việt Nam. Trong tác phẩm “Đường Kách Mệnh” Người nhấn mạnh về tính chất nhiệm vụ của tổ chức Công hội đỏ “Tổ chức công hội trước hết là để công nhân đi lại với nhau cho có cảm tình, hai là để nghiên cứu với nhau, ba là để sửa sang cách sinh hoạt của công nhân cho khá hơn bây giờ, bốn là để giữ gìn quyền lợi của công nhân, năm là để giúp cho quốc dân, giúp cho thế giới”.

Để đáp ứng yêu cầu cấp thiết của công tác vận động công nhân và tăng cường sức mạnh cho tổ chức Công hội, ngày 28/7/1929 tại số nhà 15 Hàng Nón – Hà Nội, Đông Dương Cộng sản Đảng (tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam) đã quyết định tổ chức Hội nghị đại biểu Tổng Công hội đỏ Bắc kỳ lần thứ nhất và bầu ra BCH Trung ương lâm thời do đồng chí Nguyễn Đức Cảnh phụ trách. Hội nghị đã thông qua Chương trình, Điều lệ, phương hướng hoạt động và quyết định xuất bản Báo Lao động, Tạp chí Công hội đỏ làm cơ quan ngôn luận. Tiếp sau sự kiện thành lập Tổng Công hội Đỏ Bắc kỳ, các Tổng Công hội Đỏ ở miền Trung, miền Nam được thành lập. Từ năm 1930, Tổng Công hội Đỏ đã hoạt động khắp cả nước. Thể theo nguyện vọng của đa số đoàn viên, tháng 11/1983, tại Đại hội lần thứ V Công đoàn Việt Nam đã quyết định lấy ngày 28/7/1929 là ngày kỷ niệm thành lập Công đoàn Việt Nam.

Ý nghĩa của ngày Công đoàn Việt Nam

Sự kiện ra đời của Công đoàn Việt Nam có ý nghĩa to lớn, đánh dấu sự lớn mạnh của phong trào công nhân và sự trưởng thành của giai cấp công nhân Việt Nam. Trải qua các thời kỳ lịch sử của cách mạng, cũng như trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tổ chức Công đoàn Việt Nam luôn là lực lượng nòng cốt, lực lượng đi đầu cùng với nhân dân cả nước viết lên những trang sử vẻ vang, truyền thống hào hùng của dân tộc.

Các hoạt động thường diễn ra trong dịp kỷ niệm ngày công đoàn Việt Nam

Bước vào công cuộc đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo, Công đoàn đã chú trọng đổi mới tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động tham gia quản lý kinh tế, quản lý xã hội, tuyên truyền, giáo dục trong công nhân, tổ chức nhiều phong trào thi đua “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo”, “Thi đua phục vụ CNH, HÐH nông nghiệp và phát triển nông thôn”, xây dựng môi trường “Xanh – Sạch – Đẹp”, “Bảo đảm an toàn vệ sinh lao động”…; tích cực, chủ động và thực hiện có hiệu quả chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, giữ vững quốc phòng an ninh, tiếp tục nâng cao vị thế của tổ chức Công đoàn Việt Nam.

Tuệ An (Tổng hợp).

Rate this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *